Nhận định Trần_Anh_Tông

Các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư đã ca ngợi Trần Anh Tông là vị vua "sáng suốt, thận trọng về hình phạt" và " tính tình khiêm tốn hòa nhã, hòa mục với người trong họ, mọi việc của triều đình đều tự mình quyết đoán".[1] Tuy nhiên, với nhãn quan Nho giáo, Toàn thư vẫn phê phán ông là quá mộ đạo Phật:[7]

Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần. Song tụ họp nhà sư trên núi Yên Tử, làm nhọc sức dân dựng gác Ánh Vân, thì chẳng phải là tỳ vết nhỏ trong đức lớn đó sao?

— Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Trong bộ Việt giám thông khảo tổng luận (biên soạn vào thời Hậu Lê), sử gia Lê Tung cũng bàn rằng:[66]

Anh Tông định cấp bậc triều ban của văn võ, đặt quy thức khoa cử của sĩ nhân; khi đại hạn thì soát ngục tha tù, năm đói to thì cho vay phát chẩn; trị đạo lấy nuôi dân làm kíp, chính sự lấy phong hiến làm đầu; văn vật chế độ một phen đổi mới, cũng đủ làm bậc vua giỏi của nhà Trần. Song theo bọn sa môn ở núi Yên Tử, làm nhọc sức dân xây gác Anh Vân, không phải là độ lượng của đế vương

— Lê Tung

Trong sách Việt Nam Phật giáo Sử luận (tập 1, chương XII), tác giả Nguyễn Lang - Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nhận xét:[31]

Nhân Tông và Anh Tông là những nhà chính trị giỏi, nhưng đồng thời cũng là những Phật tử thật sự. Nhà phê bình lịch sử có thể nói họ lợi dụng đạo Phật cho chính trị nhưng nhà phê bình văn hóa cũng có thể nói họ là những người Phật tử sùng đạo.

— Nguyễn Lang